Cảm nghĩ về bài hát[2] Hạ_trắng

Hơn nửa thế kỷ qua, những trăn trở, dằn vặt giữa cuộc đời của nhạc sĩ tài hoa xứ Huế vẫn được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất lên. Hạ trắng nói riêng cũng đã được biết đến với những giọng ca vang bóng một thời như Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Lệ Thu… và cả những người trẻ sau này như Hồng Nhung, Quang Dũng... Nhưng có lẽ, người thể hiện thành công nhất ca khúc để đời này của Trịnh Công Sơn vẫn không ai khác ngoài người bạn tri âm tri kỷ của ông - ca sĩ Khánh Ly.

Giọng ca ma mị, đầy ám ảnh của Khánh Ly một cách tự nhiên trở thành con thuyền chứa đầy tất cả những tiếc nuối, buồn thương, sầu muộn của một đời phiêu bạt mà Trịnh Công Sơn đã đi qua. Mỗi khi những ca từ run rẩy ngân lên: “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay…” cả một chân trời nhoà lệ của Trịnh lại dâng đầy trong mắt hàng triệu thính giả yêu nhạc ông. Nghe Hạ trắng qua giọng hát Khánh Ly, người ta cũng dường như muốn nhắm mắt lại để thấy mình trôi đi giữa một chiều không mây, giữa một trời hoa trắng.

Hạ trắng có thể sẽ khiến ta ít nhiều liên tưởng đến những vần thơ đầy khắc khoải của Hàn Mặc Tử: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”. Hai thi sĩ đa tình có thể đã sống cả đời chênh vênh trên ranh giới giữa thực và mơ, giữa mộng tưởng và tuyệt vọng. Nhưng những gì họ để lại là các tác phẩm nghệ thuật mà mãi mãi về sau vẫn vẹn nguyên giá trị.[2]